Xem clip khởi nghiệp, chàng trai ở Kon Tum nuôi thử nghiệm hươu sao, ai ngờ bán đắt hàng

Xem clip khởi nghiệp, chàng trai ở Kon Tum nuôi thử nghiệm hươu sao, ai ngờ bán đắt hàng

14:42 - 04/09/2024

So với nhiều vật nuôi khác, nuôi hươu sao tuy vốn đầu tư lớn, song hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, không phải quá lo lắng về đầu ra sản phẩm. Nhận thấy những điều này, một số hộ dân ở xã Văn Lem, huyện Đăk Tô (Kon Tum) đã lựa chọn mô hình này để phát triển kinh tế.

Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Su su trồng trên núi cao lọt 'mắt xanh' đối tác nước ngoài
Giá cà phê đang cao gấp đôi vụ năm ngoái
Chăn nuôi gà cho ăn bã bia, đầu tư ít, tiền đút túi nhiều
Vô số vườn đẹp, cây thấp tè đã ra trái quá trời, nông dân Bình Định "hái ra tiền", quả ngon nhìn phát thèm

Sau thời gian tìm hiểu về nghề nuôi hươu sao lấy nhung, đầu năm 2021, anh Quách Văn Hà (sinh năm 1987) ở thôn Tê Rông, xã Văn Lem, quyết định vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội qua kênh Đoàn thanh niên xã để xây chuồng trại và mua 3 con hươu sao về nuôi.

 

Anh Hà chia sẻ: Tôi từng xem được 1 clip khởi nghiệp từ mô hình nuôi hươu sao lấy nhung. Qua đoạn clip đó, tôi tiếp tục tìm hiểu thì thấy mô hình này rất hay, đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại rất phù hợp để phát triển kinh tế gia đình. Tôi đã quyết định nuôi thử nghiệm. Qua thời gian nuôi, tôi thấy hươu sao là loài vật có sức đề kháng tốt, ăn tạp, dễ nuôi, nên tôi càng quyết tâm phát triển đến bây giờ.

img
 

Anh Quách Văn Hà đang chăm sóc đàn hươu của gia đình. Ảnh: Y.Đ

Theo anh Hà, nuôi hươu sao tuy phải đầu tư vốn lớn nhưng rất dễ nuôi, vì hươu có sức đề kháng cao, ít bị bệnh, nguồn thức ăn đa dạng có thể trồng cỏ hoặc tận dụng nguồn cây cỏ, trái cây có sẵn trong vườn. Tuy nhiên, vì hươu sao là động vật rừng được thuần hóa nên có tập tính hoang dã, cần xây dựng chuồng trại nơi khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát. Chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cho ăn uống đầy đủ thì hươu sẽ sinh trưởng, phát triển tốt.

Một con hươu đực nuôi từ 9-10 tháng tuổi sẽ bắt đầu cho ra nhung, sau khoảng 18 tháng tuổi bắt đầu khai thác; hươu cái sau 2 năm tuổi bắt đầu sinh sản. Hươu đực trưởng thành cho 0,7 - 1kg nhung mỗi năm và tuổi thọ trung bình của một con hươu là 20 năm.

  • Nhờ áp dụng tốt các kiến thức, kỹ thuật tìm hiểu được từ các tài liệu, sách báo và đúc kết kinh nghiệm từ thực tế, đàn hươu của gia đình anh Hà sinh trưởng tốt, đến nay đã có 7 con, với 3 con đực, 4 con cái sinh sản.

    Hiện tại, đàn hươu của gia đình anh Hà có 2 con hươu đực đang khai thác nhung và đã khai thác được 2 năm, mỗi năm thu được 1,5kg nhung với giá bán 2 triệu đồng/100g nhung tươi, thu về 30 triệu đồng/năm. Gần đây, gia đình anh cũng mới bán được 2 con hươu giống, thu về được 48 triệu đồng.

    “Do mô hình nuôi hươu sao rất mới và sản phẩm từ hươu sao luôn khan hiếm, nên tôi không phải tìm đầu ra cho sản phẩm. Người dân thường đến đặt trước 1-2 tháng trước thu hoạch nhung. Thậm chí là tôi không có đủ nhung hươu để cung cấp cho khách, phải hẹn đợt sau” – anh Hà chia sẻ.

    Từ thành công mô hình nuôi hươu sao lấy nhung của gia đình anh Hà đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân địa phương. Ông Nguyễn Xuân Xênh – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Văn Lem chia sẻ: Chúng tôi có dịp đến tham quan mô hình nuôi hươu sao của gia đình cháu Hà. Thấy có nhiều triển vọng, nên chúng tôi đã lựa chọn mô hình này để triển khai mô hình điểm về thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững".

    img

    Hươu ăn cỏ cây, phế phụ phẩm nông nghiệp nên gần như không tốn tiền mua thức ăn. Ảnh: Y.Đ

    Theo đó, đầu năm 2024, Hội CCB xã đã thành lập Tổ hợp tác “Hội viên CCB DTTS nuôi hươu lấy nhung”, với 3 thành viên là hộ CCB người DTTS thuộc hộ nghèo và cận nghèo ở thôn Tê Pên. Mô hình được triển khai với kinh phí 80 triệu đồng do Hội CCB huyện hỗ trợ (từ nguồn vốn thực hiện Cuộc vận động), để xây dựng chuồng trại và mua 3 con hươu giống (1 con đực, 2 con cái).

    Mô hình do ông Xênh trực tiếp theo dõi, quản lý và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Qua thời gian trực tiếp chăm sóc hươu sao, bà Y Riỗ - Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: Từ ngày hươu được đưa về cho tổ hợp tác chăm sóc, tôi được cán bộ hội hướng dẫn rất tận tình về kỹ thuật, cách cho ăn. Thức ăn cho hươu rất dễ kiếm, tôi tận dụng cây chuối, rau khoai, lá mít, cỏ voi có ở trong vườn. Tôi thấy nuôi hươu cũng rất dễ.

    Ông Nguyễn Xuân Xênh chia sẻ, để việc chăn nuôi hươu được thuận lợi, ông cũng thường xuyên đến trao đổi, học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm từ anh Quách Văn Hà, rồi truyền đạt lại cho các thành viên trong tổ hợp tác.

    “Với mục tiêu phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên và các hộ CCB khó khăn trong trên địa bàn, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm theo dõi, hỗ trợ các thành viên của tổ hợp tác để chăm sóc tốt đàn hươu, từ đó gây đàn và mở rộng quy mô. Sau đó, có thể liên kết với gia đình cháu Hà để thương mại hóa sản phẩm” – ông Xênh cho biết.

    Có thể nói, mô hình nuôi hươu sao lấy nhung là mô hình phù hợp, mở ra hướng đi mới để người dân xã Văn Lem chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, tăng thu nhập, góp phần tích cực vào nỗ lực giảm nghèo bền vững ở địa phương.