Xuất khẩu cá tra cuối năm còn khó khăn, phải gấp rút làm nhanh điều này
15:39 - 22/10/2024
Dự báo, các tháng cuối năm 2024 và năm 2025, ngành hàng cá tra có thể vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như xung đột địa chính trị dẫn đến giá vật tư, xăng dầu tiếp tục tăng cao.
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Dự báo, các tháng cuối năm 2024 và năm 2025, ngành hàng cá tra có thể vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như xung đột địa chính trị dẫn đến giá vật tư, xăng dầu tiếp tục tăng cao.
Biến đổi khí hậu được dự báo khắc nghiệt hơn năm 2024 với nhiệt độ tăng cao dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn.
Đây là nguyên nhân gây ra những yếu tố bất lợi cho sản xuất, ương dưỡng giống và nuôi cá tra thương phẩm.
Bên cạnh đó, ngành hàng này vẫn phải đối mặt với các rào cản kỹ thuật ngày càng khó của các thị trường nhập khẩu.
Để khai thác tốt cơ hội, hạn chế rủi ro, vượt qua thách thức, phấn đấu đạt mục tiêu năm 2024, kế hoạch 2025 nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng ngành cá tra cần tiếp tục duy trì giống cá tra chất lượng cao phục vụ cho diện tích thả dự kiến lên tới 5.700 ha, với sản lượng cá tra thương phẩm dự kiến đạt trên 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt trên 2 tỷ USD.
Năm 2024, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD, sản lượng cá tra đạt 1,75 triệu tấn. Để phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, phải đầu tư cơ sở hạ tầng một cách bài bản cho các vùng ương nuôi cá giống và nuôi thương phẩm.
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng bộ, hiệu quả đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao ổn định cung - cầu về sản xuất giống, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, huy động các thành phần kinh tế tham gia chuỗi.
Ông Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các địa phương cần quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống cá tra; tăng cường phòng bệnh trên đàn cá tra giống bằng việc tăng cường tiêm phòng vaccine nhằm giảm dịch bệnh; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các Hội, Hiệp hội ngành hàng cá tra.
Được biết, xuất khẩu (XK) cá tra Việt Nam trong QIII/2024 ước đạt 544 triệu USD, tăng gần 14% so với QIII/2023. XK cá tra 9 tháng đầu năm mang về kim ngạch 1,46 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm cá tra chế biến tuy chiếm tỷ trọng khiêm tốn nhưng tăng đột phá 42%, cá tra nguyên con đông lạnh tăng 24%, cá tra phile/cắt khúc đông lạnh tăng nhẹ 4%.
XK cá tra 9 tháng đầu năm nay được cho là khá khả quan so với cùng kỳ năm ngoái, khi cả kim ngạch XK liên tục ghi nhận tăng trưởng dương. Tuy nhiên, số liệu Hải quan cho thấy nửa đầu tháng 9/2024, một số thị trường lớn chứng kiến sụt giảm nhẹ như Trung Quốc & HK giảm 19%, trong đó riêng Hồng Kông giảm 17%, Thái Lan giảm 23%. Lũy kế XK cá tra tính đến ngày 15/9/2024 sang các thị trường nhìn chung vẫn ghi nhận tăng trưởng do kim ngạch XK các tháng trước đó đạt kết quả khá tích cực. Cụ thể: Tính đến ngày 15/9/2024, XK cá tra sang Mỹ đạt 240 triệu USD, tăng 23%; Brazil đạt 81 triệu USD, tăng 26%; Thái Lan đạt 43 triệu USD, tăng 9%.
Trong nửa đầu của tháng cuối QIII/2024, Mexico tiếp tục dẫn đầu khối thị trường CPTPP về tiêu thụ cá tra Việt Nam với giá trị 3 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 30% trong tổng NK cá tra của CPTPP từ Việt nam. Lũy kế XK cá tra sang Mexico tính đến ngày 15/9/2024 đạt 55 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đứng sau Mexico, XK cá tra sang Canada đạt 2 triệu USD trong nửa đầu tháng 9/2024, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến ngày 15/9/2024, XK cá tra sang thị trường này đạt hơn 28 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.
Sau 5 năm kể từ khi có hiệu lực vào tháng 1/2019, CPTPP đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại của Việt Nam với các thị trường khu vực châu Mỹ, đặc biệt là các thị trường thành viên gồm Canada, Mexico, Chile, và Peru (trong đó Canada, Mexico và Peru là các thị trường lần đầu tiên có quan hệ FTA với Việt Nam).