Xuất khẩu cá tra dự báo tăng trưởng mạnh nửa cuối năm 2024
21:36 - 16/04/2024
Kinh tế Hoa Kỳ phục hồi nhanh và mạnh hơn dự kiến, kết hợp xu thế tiêu dùng tăng trở lại ở Trung Quốc đem lại tín hiệu lạc quan cho ngành hàng 'tỷ đô'.
Những giống lúa bản địa của người Mường đang dần biến mất
Loại củ đang vào mùa ở Việt Nam, giá rẻ, nhiều người thích nhưng cực độc nếu ăn sai cách
Đạt 9,2 tỷ USD sau 11 tháng, xuất khẩu thủy sản 2024 tự tin cán mốc 10 tỷ USD
Lý do bất ngờ khiến giá cà phê 'bùng nổ', Đắk Nông một mình đưa giá cà phê lên mốc cao mới
Theo Cục Thủy sản, diện tích thả nuôi cá tra năm 2023 đạt 5.700ha, bằng với năm 2022. Sản lượng đạt 1,71 triệu tấn, tăng 0,6% so với năm 2022 (1,7 triệu tấn).
Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1.900 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, với gần 3.000ha ương dưỡng cá tra giống. Sản lượng sản xuất giống cá bột năm 2023 khoảng 28 tỷ con; cá giống đạt 3,9 tỷ con.
Là một trong những đối tượng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam, cá tra đem về 1,9 tỷ USD trong năm 2023, chỉ xếp sau tôm (khoảng 3,45 tỷ USD), và đứng trên nhuyễn thể (800 triệu USD), cá ngừ (900 triệu USD).
Mục tiêu năm 2024, ngành thủy sản phấn đấu sản xuất 1,75 triệu tấn cá tra, tăng nhẹ so với năm 2023; kim ngạch xuất khẩu cán mốc 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2023, nhu cầu yếu đã khiến giá cá tra xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh, đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm. Điển hình, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chỉ đạt 275 triệu USD, giảm 49% so với năm 2022; trong đó, giá xuất khẩu bình quân giảm 30%, còn 3,2 USD/kg.
Tương tự, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 19%, còn 580 triệu USD và giá xuất khẩu bình quân giảm 11%, chỉ đạt 2,2 USD/kg. Điều này khiến mục tiêu của toàn ngành bị đặt dấu hỏi.
Rất may tình hình đã khả quan hơn vào đầu năm 2024. Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP cho biết, đơn hàng cá tra trong tháng 1 và tháng 2/2024 bắt đầu khởi sắc. Đồng thời, giá cá tra nguyên liệu đã thoát đáy, tăng từ 25.000 - 26.000 đồng/kg năm 2023 lên 28.000 - 29.000 đồng/kg đầu năm 2024.
"Dù khách hàng nhập khẩu vẫn thận trọng với giá mua, xuất khẩu cá tra năm nay dự báo sẽ tăng nhẹ so với năm 2023, có thể đạt được 2 tỷ USD", bà Hằng nói.
Cơ sở cho sự tăng trưởng này là nhu cầu tiêu dùng ở một số quốc gia nhập khẩu chủ lực của cá tra Việt Nam đang có xu hướng phục hồi. Trong số đó, Trung Quốc - thị trường số một về nhập khẩu cá tra Việt Nam - được kỳ vọng sẽ là khu vực tăng trưởng cao về tiêu thụ cá tra trong năm 2023.
Thực tế là các doanh nghiệp Trung Quốc đã sớm tích trữ hàng hóa để cung cấp cho nhu cầu khổng lồ của các khách sạn, nhà hàng, và ngành dịch vụ, du lịch từ đầu năm. Tổng lượng nhập khẩu thủy sản nói chung của quốc gia này từ Việt Nam vào tháng 1/2024 đã tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Tại thị trường Hoa Kỳ, lượng hàng tồn kho từng khiến giá nhập khẩu cá tra sụt giảm mạnh trong năm ngoái, giờ đã không còn là vấn đề chi phối. Sau 11 tháng đầu năm 2023 sụt giảm không phanh, xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ đã tăng trưởng dương 21% trong tháng 12/2023 và tiếp tục xu thế ấy vào năm 2024.
Hãng chứng khoán FPT Securities (FPTS) đồng tình với quan điểm trên. Cơ quan này dự báo, nhu cầu cá tra sẽ phục hồi trên diện rộng từ nửa cuối năm 2024. Thúc đẩy vào quá trình ấy là nguồn cung cá tra tại Việt Nam có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt.
Một số thị trường, như Hoa Kỳ, xu hướng tăng thậm chí xuất hiện sớm hơn. FPTS nhận định, ngay từ nửa cuối quý II/2024, người tiêu dùng nước này sẽ mở hầu bao nhiều hơn, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi các chính sách điều chỉnh tiền tệ, chống lạm phát.
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thống kê, tăng trưởng tiền lương của người lao động Hoa Kỳ trong tháng 1/2024 đã đạt 4,5% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn nhiều so với dự báo trước đó; trong khi, số giờ làm việc trung bình lại giảm xuống. Dự báo thu nhập thực tại Mỹ sẽ tăng 2,5% trong năm nay.
Mức tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ cũng được Fed dự đoán tăng lên 2,1%, cao hơn so với dự báo 1,4% trước đó hồi tháng 12/2023.
Đối với thị trường Trung Quốc, nhu cầu cá tra tại đây kỳ vọng sẽ phục hồi tích cực nhờ các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản và kích thích tiêu dùng của Chính phủ nước này ngay từ tháng 1/2024.
FPTS cũng giữ quan điểm lạc quan về nhu cầu cá tra tại Trung Quốc. Thep hãng này tin, dù tâm lý chi tiêu của người tiêu dùng có thể vướng một chút tiêu cực trong nửa đầu năm, cá tra chắc chắn tăng trưởng, chậm nhất là quý IV/2024. Một phần nguyên nhân nằm ở năng lực cạnh tranh của mặt hàng này không cao so với các đối tượng thủy sản khác, nên đòi hỏi thời gian phục hồi lâu hơn.
Ngoài Hoa Kỳ và Trung Quốc, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP khuyến cáo doanh nghiệp khai thác đa dạng thị trường và sản phẩm tiêu dùng. Ông dẫn chứng, một số thị trường nhỏ hơn như Mexico, Canada, Brazil và Vương quốc Anh đều có tín hiệu tốt với mặt hàng có giá trị xuất khẩu 2 tỷ USD của Việt Nam.
Trong số này, Brazil được xem là một gợi mở. Đây là một trong số ít các thị trường đạt tăng trưởng dương về nhập khẩu cá tra từ Việt Nam năm 2023. Riêng quý IV/2023, quốc gia Nam Mỹ nhập khẩu gần 42 triệu USD cá tra Việt Nam, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2022.
Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC) thống kê, Việt Nam là nhà cung cấp cá thịt trắng số 1 cho Brazil. Đà này sẽ được tiếp tục trong năm 2024, nhất là với sản phẩm phile cá tra đông lạnh.
Cùng với Brazil còn có thị trường Đức. Theo VASEP, năm 2023, Đức nhập khẩu 38 triệu USD cá tra Việt Nam, tăng 31% so với năm 2022. Sản phẩm chủ lực xuất khẩu sang Đức là phile đông lạnh, với giá trị gần 37 triệu USD, tăng 34% so với năm 2022, chiếm 97% tỷ trọng. Sau năm 2023 bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố của toàn khối EU, kinh tế Đức đã có dấu hiệu khôi phục trong năm 2024.
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã đề nghị Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil Roberto Serroni Perosa cho phép sử dụng phốt phát trong thịt cá tra, theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE). Hiện nước này đang thực hiện kiểm tra chỉ tiêu phụ gia với phốt phát, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, gây ảnh hưởng tới kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Brazil.