Dịch lở mồm long móng bùng phát gây áp lực lên chăn nuôi vùng cao

Dịch lở mồm long móng bùng phát gây áp lực lên chăn nuôi vùng cao

14:27 - 13/09/2024

YÊN BÁI Dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc bùng phát ở huyện Trạm Tấu với hơn 100 con mắc bệnh, đã có 15 con trâu, bò bị chết.

Dự án nuôi trâu, bò sinh sản giúp hộ nghèo, cận nghèo chuyển đổi giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Dịch lở mồm long móng xuất hiện trên đàn gia súc ở huyện Trạm Tấu (Yên Bái) vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, đến nay dịch đã được khống chế. Ảnh: Thanh Tiến.

Dịch lở mồm long móng xuất hiện trên đàn gia súc ở huyện Trạm Tấu (Yên Bái) vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, đến nay dịch đã được khống chế. Ảnh: Thanh Tiến.

Dịch lở mồm long móng bùng phát tại xã Túc Đán

Cuối tháng 4/2024, gia đình ông Vàng A Dê ở thôn Tống Trong, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái phát hiện đàn trâu 5 con của gia đình xuất hiện triệu chứng bỏ ăn, sổ mũi, sốt cao, miệng, lưỡi bị lở loét. Sau đó 1 con trâu lăn ra chết. Ngay lập tức, ông Dê báo với chính quyền xã và được cán bộ thú y xác định đàn trâu nghi bị nhiễm dịch lở mồm long móng.

Con trâu bị chết nặng hơn 200kg, gia đình ông phối hợp với người dân ở thôn và thú y viên đào hố, rắc vôi chôn tiêu hủy. Những con trâu còn lại, được sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật, gia đình ông Dê lấy nước chua sát trùng xung quanh miệng và các vết loét ở kẽ chân trâu, ngày 2 - 3 lần. Ngoài ra, ông còn bổ sung cho đàn trâu ăn thêm cháo loãng, tiêm thuốc bổ. Sau khoảng 1 tuần 4 con trâu giảm dần các triệu chứng bệnh.

Trâu chết do bị bệnh lở mồm long móng, người dân và cán bộ thú y thực hiện tiêu hủy theo quy định. Ảnh: Thanh Tiến.

Trâu chết do bị bệnh lở mồm long móng, người dân và cán bộ thú y thực hiện tiêu hủy theo quy định. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Dê bộc bạch, đàn trâu chính là tài sản lớn nhất của gia đình ông, khi bị xác định nghi mắc bệnh và có trâu chết ông rất lo lắng. Cán bộ thú y hướng dẫn các biện pháp chữa bệnh cho đàn trâu, ông thực hiện theo đúng các bước vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc sát khuẩn, tiêu độc khử trùng.

Dùng các chất sát trùng nhẹ như nước chanh, nước khế để rửa, sát trùng các chỗ lở loét, sử dụng thuốc xanh Metylen, thuốc tím 1% bôi vết thương và bổ sung thức ăn tinh bột, vitamin và nước muối loãng cho đàn trâu.

Với các biện pháp chữa bệnh kịp thời, khoảng 10 ngày sau đàn trâu đã cơ bản khỏi bệnh. Không chủ quan, ông Dê thường xuyên rắc vôi bột sát khuẩn xung quanh chuồng trại, cho trâu ăn uống đầy đủ, tăng sức đề kháng và không chăn nuôi thả rông.

Tương tự, đầu tháng 5, đàn trâu của gia đình ông Vàng A Ninh ở xã Túc Đán cũng được cán bộ thú y của Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ Phát triển nông nghiệp huyện Trạm Tấu xác định nghi mắc dịch lở mồm long móng. May mắn hơn là đàn trâu không có con chết.

Ông Ninh chia sẻ, sau khi thấy đàn trâu có dấu hiệu bệnh, ông đã báo với chính quyền xã và được cán bộ thú y ở huyện đến kiểm tra, xác định tình trạng bệnh và hướng dẫn các biện pháp chữa trị. Hiện nay, bệnh lở mồm long móng chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu, vì vậy ông chữa bệnh cho trâu bằng cách xử lí các vết loét bằng quả khế chua, đun nước lá ổi pha muối loãng để rửa vết thương. Ngoài ra, tiêm thuốc kháng viên và bôi thuốc mỡ để làm cho vết thương nhanh chóng lành thành sẹo và không gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Người dân chủ động vệ sinh chuồng trại, thực hiện nuôi nhốt để tránh lây lan dịch bệnh. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân chủ động vệ sinh chuồng trại, thực hiện nuôi nhốt để tránh lây lan dịch bệnh. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều gia súc mắc bệnh, hàng chục trâu, bò chết

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ Phát triển nông nghiệp huyện Trạm Tấu, đầu tháng 5/2024, tại 2 thôn Tống Trong và Tống Ngoài (xã Túc Đán) người dân phát hiện có trâu, bò, lợn bị bệnh với các triệu chứng điển hình của bệnh lở mồm long móng, trâu bò sùi bọt mét, niêm mạc lưỡi, miệng bị bong tróc..., lợn xuất hiện nhiều mụn nước ở vùng vú, kẽ móng, có con bị tụt móng.

Qua kiểm tra tại ổ dịch, cán bộ chuyên môn đã kết luận nghi trâu, bò, lợn bị mắc bệnh lở mồm long móng với tổng số 52 con, trong đó gồm 39 con trâu, 5 con bò và 8 con lợn của 18 hộ dân.

 

Trước diễn biến dịch có nguy cơ lây lan nhanh, Trung tâm đã báo cáo Phòng NN-PTNT và Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ngày 3/5 đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm để gửi xét nghiệm bệnh. Đến ngày 9/5, Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương đã có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm Số 2596/CĐ-XN mẫu bệnh phẩm dương tính với virus lở mồm long móng Type O.

Bà Hà Thị Ly, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ Phát triển nông nghiệp huyện Trạm Tấu cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Trung tâm đã đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cấp thuốc sát trùng, vacxin tiêm phòng để phòng chống dịch hiệu quả và kịp thời.

Người dân đưa trâu trên rừng về cho cán bộ thú y kiểm tra sức khỏe và tiêm phòng vacxin. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân đưa trâu trên rừng về cho cán bộ thú y kiểm tra sức khỏe và tiêm phòng vacxin. Ảnh: Thanh Tiến.

Bên cạnh đó, đơn vị chỉ đạo cán bộ chuyên môn thường trực tại ổ dịch để hướng dẫn nhân dân chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị gia súc bị bệnh, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Sau đó, đơn vị phối hợp với xã phun hơn 70 lít thuốc sát trùng chuồng trại cho toàn bộ các hộ chăn nuôi trung vùng ổ dịch ổ dịch. Triển khai tiêm phòng hơn 2.500 liều vacxin lở mồm long móng cho đàn trâu, bò tại xã Túc Đán và các xã liền kề có nguy cơ lây lan dịch bệnh như Pá Lau, Trạm Tấu.

Dịch đã được khống chế, cần tiếp tục chủ động phòng chống

Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện, từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn đã không còn phát sinh gia súc bị bệnh và chết. Số gia súc bị bệnh đã khỏe lại bình thường.

Dịch lở mồm long móng có thể xuất hiện trở lại bất cứ lúc nào, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, ẩm ướt. Hiện nay, đa số các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Trạm Tấu chăn nuôi theo hình thức chăn thả là chính nên việc phát hiện gia súc bị bệnh còn chậm. Triển khai thực hiện tiêm phòng bao vây ổ dịch khó khăn, thậm chí không bắt được gia súc để tiêm phòng.

Tiêm phòng vacxin định kỳ là biện pháp tốt nhất để phòng chống các loại dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi. Ảnh: Thanh Tiến.

Tiêm phòng vacxin định kỳ là biện pháp tốt nhất để phòng chống các loại dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi. Ảnh: Thanh Tiến.

Các hộ chăn nuôi phân bố không tập trung nên khó kiểm soát dịch bệnh. Địa hình đồi núi, đường giao thông đi lại khó khăn trong việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Đặc biệt, việc vệ sinh chuồng trại nuôi nhốt của người Mông ở huyện vùng cao này còn rất hạn chế, nhiều hộ chăn nuôi để chất thải bừa bãi, thậm chí lẫn cả vào thức ăn của trâu, bò. Việc chủ động phòng chống dịch bệnh chưa cao, sát khuẩn, tiêu độc khử trùng phần đa chỉ được thực hiện khi có dịch bệnh. Việc tiêm vacxin định kỳ đạt tỷ lệ thấp, chính vì vậy rủi ro cho người chăn nuôi rất lớn.

Trước thực trạng này, huyện Trạm Tấu đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp khống chế, không để dịch lây lan ra diện rộng, chủ động phòng chống dịch. Tập trung vận động người dân tiêm phòng cho đàn gia súc, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên.

Các địa phương, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm túc việc bắt buộc nuôi nhốt lợn, chăn thả trâu, bò có sự quản lý. Kiểm soát chặt chẽ mọi phương tiện vận chuyển, xử lý các trường hợp mang gia súc, sản phẩm gia súc không rõ nguồn gốc ra vào địa bàn.

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ Phát triển nông nghiệp huyện Trạm Tấu, trong tháng 5 dịch lở mồm long mòng lây lan mạnh tại địa phương, tính đến ngày 29/5 đã có hơn 100 con trâu, bò, lợn gồm 68 con trâu, 23 con bò, 12 con lợn của 47 hộ dân mắc dịch lở mồm long móng. Đã có 15 con trâu, bò chết với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 2.700kg.