Năng suất tăng 4 tạ/ha nhờ sử dụng mạ khay, máy cấy, chế phẩm sinh học
21:35 - 04/10/2024
Hà Tĩnh Hậu tích tụ đất đai, người dân áp dụng mạ khay, máy cấy kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học vào sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, đưa năng suất tăng 4 tạ/ha.
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Mang danh TP Hà Tĩnh nhưng tỷ lệ dân số ven đô sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp đang khá lớn. Ngoài các phường trung tâm phát triển mạnh về dịch vụ thì các xã, phường như Đồng Môn, Thạch Bình, Thạch Hạ, Thạch Trung, Đại Nài… những năm gần đây tích tụ ruộng đất, xây dựng các mô hình sản xuất lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ rất hiệu quả.
Có thể “điểm mặt chỉ tên” một số mô hình của HTX nông nghiệp Đồng Tiến (xã Đồng Môn), HTX Liên Nhật (xã Thạch Hạ), cánh đồng lúa hàng chục ha đồng nhất một giống tại phường Đại Nài, xã Thạch Bình…
Một lãnh đạo thành phố Hà Tĩnh cho hay, chủ trương áp dụng tiến bộ kỹ thuật mạ khay, máy cấy vào sản xuất lúa kết hợp nuôi trồng các loài thủy sản tự nhiên như tôm, tép, cá… đang là hướng đi đúng đắn và mang lại giá trị kinh tế, cải tạo môi sinh môi trường rất tốt, được người dân đồng thuận ủng hộ, tham gia nhiệt tình.
“Chúng tôi đã giao cho Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi TP Hà Tĩnh tổ chức hội thảo đánh giá toàn diện mặt ưu, nhược điểm của mô hình ứng dụng công nghệ mạ khay, cấy máy, sản xuất theo hướng hữu cơ, sử dụng dinh dưỡng cho cây lúa bằng chế phẩm sinh học kết hợp phát triển các loài thủy sản tự nhiên để rút kinh nghiệm, làm cơ sở nhân rộng trong thời gian tới”, vị lãnh đạo nói.
Trước đó, vụ hè thu năm 2024, Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi TP Hà Tĩnh phối hợp với Công ty CP Eco - Nutrients miền Trung thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ mạ khay, cấy máy, sản xuất theo hướng hữu cơ, sử dụng dinh dưỡng cho cây lúa sau cấy bằng chế phẩm sinh học Eco Nutrients, kết hợp phát triển các loài thủy sản tự nhiên.
Giống lúa được sử dụng là Khang Dân 18, với quy mô 2ha, thực hiện tại thôn Tiền Tiến, xã Đồng Môn. Đây là vùng đất bị nhiễm phèn nặng, gây nhiều khó khăn trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Tuy nhiên, ông Nguyễn Bằng Tấn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Tiến đã mạnh dạn thuê lại đất của người dân để thâm canh lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ.
Về phía TP Hà Tĩnh, sẽ tiếp tục xây dựng lộ trình, kế hoạch, tổ chức tập huấn cho người dân về phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Cùng với đó, xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị để hướng tới sự bền vững của mô hình ứng dụng công nghệ mạ khay, cấy máy, sử dụng dinh dưỡng cho cây lúa sau cấy bằng chế phẩm sinh học.
Ông Tấn cho biết, sau khi cải tạo đất, ông dùng công nghệ máy gieo mạ khay với lượng giống sử dụng 60 kg/ha (tương ứng 3 kg/sào). Trong quá trình sinh trưởng, đồng ruộng được bón hoàn toàn bằng chế phẩm dinh dưỡng hữu cơ sinh học Eco Nutrients.
Mặc dù vụ hè thu không thuận lợi về nước, thời tiết, chủ yếu sử dụng giống ngắn ngày nhưng lúa phát triển tốt, đẻ nhánh nhiều, bản lá dày, bộ lá cứng, cứng cây. Khi chín, lúa màu vàng sáng, trĩu bông, tỷ lệ hạt lép thấp. Sau quá trình đánh giá, năng suất lúa tươi ước đạt 85 tạ/ha, cao hơn 4 tạ/ha so với ruộng đối chứng.
“Điểm cộng là ruộng lúa sử dụng chế phẩm hữu cơ có khả năng phục hồi nhanh, sinh trưởng tốt; giảm được độ nhiễm phèn trong môi trường đất. Nhiều loài thủy sản như tôm, tép, cá... phát triển trở lại”, ông Tấn nói. Đồng thời nhẩm tính, hiệu quả sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ngoài nguồn gia tăng từ cây lúa, hộ dân còn tăng thu nhập thêm 6 - 7 triệu đồng/ha từ các loại thủy sản tự nhiên (thời gian thu trong khoảng 4 - 5 tháng), với sản lượng bình quân đạt 3 - 4 kg/ha/ngày.
Hiện nay, chi phí sản xuất lúa sử dụng chế phẩm sinh học Eco Nutrients cao hơn so với sử dụng phân bón vô cơ khoảng 4 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, lúa phát triển tốt, bảo vệ môi trường, tạo điều kiện cho các loài thủy sản tự nhiên phát triển.
“Vì vậy, để có cơ sở khuyến khích người dân nhân rộng, đề nghị Công ty CP Eco - Nutrients miền Trung tiếp tục mở rộng hỗ trợ các địa phương tại Hà Tĩnh sản xuất thử nghiệm trong vụ lúa xuân 2025 để có đánh giá tổng quan, toàn diện hơn về hiệu quả của chế phẩm sinh học này đối với cây lúa”, ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hà Tĩnh nói.