Nơi mỗi trạm khuyến nông có một kênh youtube
14:14 - 05/10/2024
HẢI PHÒNG Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng tổ chức đào tạo mỗi trạm khuyến nông huyện 1 nhóm 6 người để sản xuất các video đưa lên mạng xã hội.
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Cán bộ khuyến nông tập dẫn chương trình
“Chào mừng cô bác, anh chị đến với biện pháp phòng trừ ruồi vàng đục trái trên cây táo bằng tấm dính và bả vizubon trong chuỗi video hướng dẫn kỹ thuật của Trạm Khuyến nông Thủy Nguyên. Rất là biết ơn cô bác, anh chị đã hiện diện ở đây. Rất là biết ơn cô bác anh chị đã đồng hành cùng Trạm Khuyến nông Thủy Nguyên trong suốt thời gian qua… Nhắc đến các loại nông sản đặc trưng của quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng) không thể không kể đến táo Bàng La - một loại quả đem lại giá trị kinh tế rất cao, giúp nhiều nông dân của phường Bàng La vươn lên làm giàu…”.
Kĩ sư Bùi Thị Duyên - cán bộ Trạm Khuyến nông Thủy Nguyên lần đầu tiên đóng vai trò MC trong một video khuyến nông có chút hồi hộp nhưng rồi lấy lại sự tự tin và dẫn khá trôi chảy. Video mà chị dẫn đã được đưa lên mạng xã hội, được nhiều lượt like, bình luận và xem. Đó là kết quả trả bài tốt nghiệp của lớp tập huấn kỹ năng tuyên truyền, quảng bá thông tin khuyến nông từ ngày 21/8 - 27/8 với sự tham gia của 50 học viên là các thành viên cốt lõi, cán bộ thông tin của các trạm, thành viên của tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn Hải Phòng.
Trong 7 ngày, học viên được thầy Trương Chúc Linh và 12 giảng viên của Công ty TNHH Truyền thông và Dịch vụ DPS - Cval về dạy theo dạng học tập trung tại Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Họ được hướng dẫn các chuyên đề về phương pháp khai thác thông tin và xây dựng bản tin, kỹ năng viết tin, bài, kỹ năng chụp ảnh, quay video bằng điện thoại thông minh, kỹ thuật xử lý hậu kỳ.
Họ được thực hành tác nghiệp tại mô hình khuyến nông đang triển khai, sau đó viết tin, bài, dựng video, đăng tải trên nền tảng mạng xã hội youtube. Phương pháp đào tạo theo hướng "cầm tay chỉ việc" này giúp các học viên tiếp thu nhanh và dễ dàng chuyển giao.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đam - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, sau 1 tuần học tập, các học viên đã có kết quả sản phẩm ngay, mỗi trạm có một kênh youtube, Trung tâm cũng có một kênh youtube như vậy.
Khi các hộ nông dân hay các đại điền có nhu cầu cần tuyên truyền gì thì nhóm cán bộ khuyến nông sẽ xuống sản xuất một lúc 4 - 5 video bằng điện thoại. Mạng xã hội có thể lan tỏa mô hình khuyến nông của Hải Phòng ra toàn thế giới, bên cạnh kiểu làm tuyên truyền truyền thống là qua hội nghị với số lượng hạn chế người tham gia. Hiện đã có hơn 40 video được sản xuất như vậy, có những video có lượng người xem khá nhiều.
“Mọi người quan tâm chỉ cần đánh trên youtube cụm từ như khuyến nông Tiên Lãng, khuyến nông Thủy Nguyên, khuyến nông An Lão, khuyến nông Vĩnh Bảo… là sẽ thấy. Mục tiêu chúng tôi hướng đến là mỗi tuần mỗi nhóm cán bộ làm youtube của mỗi trạm phải thực hiện 3 video. Trước đây, hàng năm khuyến nông xây dựng và triển khai thực hiện nhiều mô hình khuyến nông về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… Nguồn dữ liệu và nguyên liệu để xây dựng các video ở các xã, phường, các lĩnh vực rất phong phú và đa dạng.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền còn ít do kỹ năng, phương pháp tuyên truyền của cán bộ khuyến nông còn hạn chế, nhất là về viết tin, bài, quay video clip số lượng còn ít, chất lượng còn kém. Do đó việc tuyên truyền, nhân rộng mô hình chưa hiệu quả, chưa lan tỏa được những kỹ thuật mới, cách làm hay và chuyển tải kịp thời, rộng rãi đến bà con nông dân, ngư dân”, ông Đam chia sẻ.
Thông qua lớp tập huấn lần này, đã giúp cán bộ khuyến nông mỗi trạm xây dựng, quản trị kênh youtube của trạm và của văn phòng Trung tâm, hình thành nhóm công việc sản xuất và đăng tải các thông tin tuyên truyền một cách chuyên nghiệp với các vị trí: Xây dựng kịch bản, quay hình, người dẫn chương trình, biên tập video, thiết kế hình, đăng bài theo kỹ thuật, quản trị truyền thông.
Với tốc độ sản xuất 3 - 4 video/tuần/nhóm của 7 nhóm thì mỗi năm sẽ có khoảng 1.350 video của toàn Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng. Chúng được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, trước tiên là youtube, sau đó sẽ liên kết với tiktok, facebook. Mong muốn của Hải Phòng là từ những nhóm đó sẽ dạy nhau, lan tỏa và hướng đến khuyến nông cơ sở để tham mưu với chủ tịch UBND xã nhằm mục tiêu mỗi xã có một kênh youtube để tuyên truyền tất cả những gì thuộc về địa phương.
Hiện thành phố Hải Phòng có 139 tổ khuyến nông cơ sở, từ trước đến nay hoạt động khá giống với vai trò của khuyến nông cộng đồng. Từ nay sẽ lấy họ làm nòng cốt, rồi cùng xã chọn tối thiểu 5 người nữa để làm kênh youtube dựa trên lực lượng của ban nông nghiệp xã đã có sẵn.
Con gà đẻ trứng phải kêu cục tác thì nông dân cũng nên vậy
Tôi hỏi ông Nguyễn Ngọc Đam - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng về lý do thành lập các kênh video khuyến nông trên mạng xã hội, ông trả lời rằng, những gì cảm thấy cần thiết là mình sẽ thực hiện. Giờ tuyên truyền trên mạng là cách nhanh nhất, ngắn nhất, lan tỏa rộng nhất. Khi thấy mô hình nào tốt thì nhóm cán bộ khuyến nông sẽ xuống làm các video quảng bá sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật và đưa lên mạng xã hội. Đưa các video khuyến nông lên mạng xã hội có thể cũng là hướng đi để mở ra thu nhập cho khuyến nông viên trong thời gian tới nếu anh em kiên trì thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc và có trách nhiệm.
“Con gà đẻ ra quả trứng phải kêu cục tác để thông báo thì nông dân khi làm ra sản phẩm cũng phải tuyên truyền quảng bá. Lúc đầu, các cán bộ khuyến nông xuống với hộ nông dân thì chính họ sẽ phải nói về sản phẩm của mình, dịch vụ của mình như thế nào, tốt ra sao, sản lượng thế nào, khi video đăng trên mạng sẽ giúp kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng. Sau đó cán bộ khuyến nông sẽ dạy nông dân cách tự làm video đăng lên mạng xã hội. Các nội dung cần tuyên truyền của địa phương cũng sẽ được nhóm thiết kế dưới dạng video sống động để tuyên truyền đến người dân”, ông Đam chia sẻ.
Cũng theo ông Đam, hiện anh em mới bắt đầu tập làm video nhưng để có nhiều người theo dõi thì phải tăng chất lượng lên. Cứ 2 chuyên gia sẽ kèm 1 nhóm cán bộ khuyến nông làm video, đồng hành từ nay cho đến 3 năm sau, khi đã thành chuyên gia mới thôi.
Ngoài những nội dung về chuyên môn, học viên còn được trang bị những kĩ năng, phương pháp thực hành về sức khoẻ, nội tâm, khiêu vũ, thể thao để nâng cao trí và lực phục vụ cho công việc cũng như cuộc sống. Có người nặng chỉ 47kg sau mấy ngày rèn luyện mà cõng được người nặng tới 75kg. Có người ban đầu còn tỏ ra không thích học nhưng sau 1 tuần được gắn kết và chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay, lúc phải chia tay đã bật khóc nức nở.
Chuyển biến trong con người trước và sau học đã có thể thấy được. Họ nhận thức rõ hơn vai trò của mình với tổ chức và nông dân cũng như sự hiệu quả của việc tuyên truyền khuyến nông bằng mạng xã hội nên bắt đầu say sưa thực hành.
Mạng xã hội là phương tiện đột phá giúp lan tỏa, nhân rộng những tiến bộ khoa học, quảng bá con người, dịch vụ, sản phẩm, mô hình hay cũng như tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nông dân.