Nuôi dế kiểu gì mà một anh nông dân Kiên Giang tự trả lương tốt, cứ bán 1kg dế thịt thu 220.000 đồng?
15:02 - 13/09/2024
Hơn 4 năm nuôi dế mèn, anh Chương Hoàng Khanh (43 tuổi), ngụ ấp Hòa Hiếu 2, xã Định Hòa, huyện Gò Quao (tỉnh Kiên Giang) đã tìm được đầu ra tiêu thụ dế thịt ổn định. Với mô hình nuôi dế mèn, mỗi năm anh Khanh bỏ túi gần 130 triệu đồng.
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Anh Khanh luôn mong muốn thực hiện một mô hình hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình. Bén duyên với mô hình nuôi dế thương phẩm khi tình cờ anh xem thông tin trên mạng xã hội, thấy mô hình nuôi dế mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Khanh cho biết: “Lúc đầu tôi đặt mua một khay trứng dế thái vàng ở TP. Cần Thơ với giá 300.000 đồng.
Mang trứng dế về nhà tự ấp nở và nuôi thử nghiệm, do chưa có kinh nghiệm về cách xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, dế chết nhiều. Sau đó, tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu, học hỏi mô hình nuôi dế trên internet, tích lũy kinh nghiệm để nuôi dế đạt hiệu quả hơn”.
Quyết tâm theo đuổi ước mơ làm giàu, anh Khanh bắt đầu mở rộng diện tích chuồng nuôi dế Thái, giữ lại dế trứng để sinh sản, tăng đàn.
Khởi đầu khá thành công, anh Khanh thấy dế dễ nuôi, phát triển mạnh, ít hao hụt. Từ 1 chuồng nuôi dế, hiện anh Khanh có hơn 40 chuồng nuôi, với diện tích gần 100m2.
Chuồng nuôi dế khá đơn giản, dùng tấm nylon dựng 4 vách, cố định bằng khung sắt, có chiều rộng 1,5m, dài 2m, cao 1m. Anh Khanh dùng vỉ giấy đựng trứng gà lót nền, chất thành hai lớp, từ 25-30cm, làm nơi trú ẩn cho dế mèn, tạo môi trường sống tự nhiên.
Dùng lưới chắn miệng chuồng lại, hạn chế hao hụt do thằn lằn, rắn mối, chim ăn dế. Sau khi thu hoạch, anh Khanh phơi khô vỉ giấy tái sử dụng, phân dế được anh tận dụng để bón cho cây trồng.
Anh Chương Hoàng Khanh, nông dân nuôi dế mèn (dế Thái) ở xã Định Hòa, huyện Gò Quao (tỉnh Kiên Giang) đang cho dế ăn.
Thức ăn của dế Thái là lá cây khoai mì, rau cỏ, anh Khanh còn cho dế ăn cám gạo để dế lớn nhanh và béo hơn. Để tiết kiệm chi phí mua thức ăn, vợ chồng anh Khanh trồng khoai mì, đảm bảo có nguồn thức ăn sạch và an toàn cho dế.
Các chuồng nuôi dế đều được anh Khanh cẩn thận ghi thời gian thả dế con để thuận tiện trong việc chăm sóc và thu hoạch. Để mỗi ngày đều có dế mèn xuất bán, anh Khanh nuôi các chuồng khác thời gian. Mỗi chuồng dế cho thu hoạch từ 10-25kg, tùy theo ổ trứng ban đầu, sản lượng dế đạt nhiều hay ít.
Anh Khanh chia sẻ: “Khay để dế đẻ trứng được làm bằng xơ dừa, mang trứng đi ấp trong thùng xốp, khoảng 1 tuần trứng nở, tôi mang dế ra chuồng nuôi.
Trong 12 ngày đầu từ khi dế nở là thời điểm quan trọng nhất vì đường ruột dế con còn yếu phải chăm sóc cẩn thận và kiểm tra thường xuyên chuồng nuôi. Dế con thường ăn ít, có thể bị thiếu nước, cần bổ sung nước cho dế bằng cách phun sương nhẹ, từ 5-6 lần/ngày”.
Dế sống bầy đàn, dễ thích nghi với môi trường tự nhiên. Cần tránh nuôi dế mèn số lượng nhiều trong diện tích nhỏ vì dế sẽ tiêu diệt nhau.
Muốn cho đàn dế mèn phát triển nhanh, đạt năng suất phải chú ý đến vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát. Đối với dế trứng, trước khi thu hoạch anh Khanh không cho ăn tinh bột và rau, chuyển sang cho ăn mía để dế sạch ruột và ngọt thịt.
Hiện tại, anh Khanh đã có đầu ra ổn định, mỗi ngày xuất bán hơn 10kg dế còn sống với giá bán 120.000 đồng/kg cho các cửa hàng để làm thức ăn cho chim, cá cảnh, mồi câu cá.
Anh Khanh bán dế trứng cho các quán ăn, nhà hàng trong tỉnh Kiên Giang để chế biến các món ăn như dế chiên giòn, dế chiên bột, dế xào...
Đối với dế trứng, sau khi thu hoạch, vợ chồng anh Khanh phân loại, rửa sạch, sơ chế, đóng gói cấp đông để bảo quản được lâu, giá bán 220.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí, mỗi năm anh Khanh lãi gần 130 triệu đồng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Định Hòa, huyện Gò Quao (tỉnh Kiên Giang) Phạm Duy Khánh cho biết: “Mô hình nuôi dế Thái của anh Khanh mang hiệu quả kinh tế cao, chi phí thấp, thời gian thu hoạch ngắn, xoay vốn nhanh, giúp nông dân có thêm thu nhập ngoài vụ lúa, cải thiện đời sống gia đình”.