Chuột hoành hành phá lúa nhiều nơi ở ĐBSCL

Chuột hoành hành phá lúa nhiều nơi ở ĐBSCL

11:38 - 09/02/2023

Vụ lúa đông xuân 2022 - 2023, bà con nông dân một số địa phương vùng ĐBSCL khá lo lắng vì chuột phá hại gia tăng.

 

Tàn tạ vùng cam Cao Phong
20 người nhập viện nghi dùng nước nhiễm thuốc trừ cỏ
Thảo thơm cây dứa Hà Trung
Bị 'biển vây', xã đảo vẫn trồng khoai, gieo lúa nhờ đê ngăn mặn
Nhiều hồ thủy lợi báo động nguồn nước

Có nơi thiệt hại 60 - 70%

Tại một số địa phương ĐBSCL như Trà Vinh, Vĩnh Long, TP Cần Thơ…, chuột phá hại mùa màng đang tăng cao. Nông dân đang áp dụng nhiều biện pháp để phòng trừ.

Tại địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, vụ đông xuân năm nay thời tiết, nguồn nước rất thuận lợi cho cây lúa phát triển. Sâu bệnh ít xuất hiện, tuy nhiên, chuột gây hại đang rất phổ biến, nhiều nơi bị thiệt hại ở mức cao.

Ông Lê Văn Chính, Giám đốc HTX 9 Táo LK tại xã Song Lộc cho biết, vụ này, bà con của HTX gieo sạ đạt 165ha. Hiện chuột gây hại ở hầu hết các mảnh ruộng của bà con. Tỷ lệ gây hại phổ biến ở mức 5% trở lên.

Theo ông Chính, chuột phá hại không phải mới xuất hiện ở vụ này mà từ các vụ hè thu, thu đông trước đã xuất hiện. Đặc biệt, vụ lúa đông xuân này chuột cắn phá nhiều hơn. “Tỷ lệ chuột cắn phá gây hại từ 20 - 40%, có nơi thậm chí 60 - 70%. Thấy nóng ruột, mình dặm lại bao nhiêu giờ nó ăn hết bấy nhiêu”, ông Chính nói.

Empty

Chuột do một thành viên của HTX Phát Tài đánh bắt trong một đêm. Ảnh: Minh Đảm.

Còn ông Trần Văn Chung, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ) cũng khẳng định: Năm nay, lúa bị sâu bệnh ít nhưng chuột quá nhiều. HTX khuyến khích thành viên đồng loạt diệt chuột với nhiều biện pháp như, đặt lọp kẹp, bỏ mồi thuốc, giăng màn phủ, giăng lưới bén…

“Bà con đồng lòng đặt bẫy, diệt chuột nên tỷ lệ lúa bị thiệt hại do chuột giảm nhiều so với vụ trước, tỷ lệ thiệt hại dưới 10%”, ông Chung cho biết.

Chuột nhiều nên bà con phòng trừ tốn kém khá nhiều chi phí. Nông dân Mai Văn Cẩn ở ấp Khánh Lộc, xã Song Lộc có 6 công ruộng lúa mới vừa trổ đều, do chuột xuất hiện rất nhiều nên cứ 10 ngày anh phải mua thuốc đánh bã một lần.

Empty

Nông dân ĐBSCL đào đất bắt chuột. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

“Khu vực này quá trời nhiều, riêng ruộng tôi chuột gây hại khoảng 10%. Tiền mua thuốc chuột đến nay mấy trăm ngàn rồi, từ nay đến lúc thu hoạch còn khoảng 1 tháng nữa cũng phải bỏ mồi đánh bã tiếp”, anh Cẩn nói.

Theo Sở NN-PTNT Trà Vinh, đến nay, nông dân trong tỉnh đã xuống được trên 60.000ha lúa đông xuân. Chuột gây hại trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện từ các vụ trước và Sở đã có các khuyến cáo để người dân thực hiện phòng trừ.

Ông Lê Trường Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Trà Vinh cho biết: Vụ đông xuân này, có xuất hiện chuột nhưng tỷ lệ lúa bị thiệt hại đã giảm hơn so với vụ trước nhờ bà con áp dụng nhiều biện pháp tiêu diệt đồng loạt và duy trì thường xuyên. Đặc biệt, khuyến cáo không sử dụng điện để tiêu diệt chuột.

Những ổ chứa chuột

Theo đánh giá của nông dân lẫn ngành bảo vệ thực vật các tỉnh ĐBSCL, những ruộng lúa giáp ranh các vườn cây ăn trái, ruộng cỏ có tỷ lệ chuột gây hại rất cao.

Ông Lê Văn Chấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Đồng Tháp cho biết, chuột là đối tượng nông dân luôn lo âu hơn hết so với các sâu bệnh gây hại khác trên lúa. Bởi chuột ngày càng sinh sôi nảy nở nhanh và gây hại nhiều cho sản xuất, đặc biệt chuột xuất hiện ở những vùng đất làm lúa không xả lũ, sản xuất liên tục 3 vụ/năm hay các vùng quy hoạch sản xuất xen canh lúa - màu - vườn cây ăn trái… Đó là những nơi “chứa chuột”, làm chuột phát tán sinh sản nhanh, phá hại mùa vàng.

Empty

Một mảnh vườn mới chuyển đổi tại xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh chứa nhiều chuột. Ảnh: Minh Đảm.

 

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Vĩnh Long cho biết: Những ruộng lúa giáp ranh vườn thường bị chuột tấn công nhiều, tỷ lệ thiệt hại lớn. Vụ đông xuân này, đến nay, trong tỉnh Vĩnh Long đã có khoảng 1.070ha lúa đông xuân bị chuột phá hại.

Ruộng lúa 15 công của ông Lê Văn Chính, Giám đốc HTX Lúa giống 9 Táo LK tại xã Song Lộc (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) bị chuột gây thiệt hại trên 10%. Ông Chính cho rằng: Nguồn gốc của chuột từ trong vườn dừa giáp ranh ruộng của ông. Hiện nay, bà con lên vườn nhiều, trồng cỏ, trồng cây dừa, mía… Đây là những nơi trú ẩn của chuột, không diệt hết được.

Đáng quan tâm, hiện nay, do canh tác lúa không có lãi nên bà con chuyển đổi lên vườn trồng cây ăn trái, trồng cỏ… nhưng không đồng loạt. Thậm chí có người lên vườn nhưng để trống, chưa biết trồng cây gì dẫn đến cỏ mọc um tùm. Hậu quả là, chính những mảnh vườn mới lên đầy cỏ này là nơi trú ẩn lý tưởng cho chuột sinh sôi. Ông Trần Văn Chung, Giám đốc HTX Lúa giống Phát Tài, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh nói trong lo lắng: “Một người lên vườn thì bốn năm người làm lúa chịu chết, chuột di trú, một ngày đi cả cây số”.

Do đó, ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Vĩnh Long kiến nghị: Hiện nay, những ruộng lúa giáp vườn bị chuột gây hại nhiều hơn ngoài đồng. Do đó, việc lên vườn nên tập trung hơn, tránh trường hợp lên xen kẽ kiểu da beo, diệt trừ sẽ rất khó.

Không dùng điện diệt chuột

Để chủ động phòng trừ, giảm thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra, Chi cục Trồng trọt và BVTV Trà Vinh đã triển khai một số biện pháp quản lý chuột gây hại lúa với phương châm “diệt chuột có tổ chức, diệt đồng loạt, diệt nhiều lần và áp dụng cùng một biện pháp”.

Empty

Nông dân dùng nilon giăng hàng rào bảo vệ lúa khỏi chuột phá hại. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo đó, đối với biện pháp canh tác: Khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng, phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ ven bờ, tìm và phá ổ chuột ngay từ đầu vụ, thu dọn rơm rạ sau thu hoạch để hạn chế nơi cư trú của chuột. Cần xác định thời vụ thích hợp và ở những vùng thường bị chuột hại nặng, cần gieo trồng và thu hoạch đồng loạt nhằm cắt đứt nguồn thức ăn, đồng thời kết hợp tổ chức diệt chuột đồng loạt. Nếu có thể, giữ mực nước cao trong ruộng vào giai đoạn lúa đòng - trổ để hạn chế chuột hại hoặc làm ổ ven bờ.

Đối với biện pháp vật lý, cơ học: Sử dụng các bẫy cơ học như bẫy kẹp, bẫy lồng, bẫy bán nguyệt, bẫy ống tre, bẫy di động... đặt nơi cửa hang, cạnh hoặc vuông góc với đường đi, nơi có nhiều chuột hoạt động, rắc thêm vật liệu tương tự. Nơi đặt bẫy chỉ để lộ mồi để tránh sự phát hiện nhạy bén của chuột.

Nếu bẫy dùng mồi có thể đặt mồi vài ba ngày cho chúng ăn quen mới lắp bẫy, nên đặt bẫy mồi trước khi mặt trời lặn và thu bẫy vào buổi sáng sớm. Sau khi bắt được chuột, bẫy cơ học cần được xử lý bằng nước sôi hoặc ngâm nước, phơi khô mới dùng lại vì chuột rất nhạy cảm với mùi.

Tìm kiếm các hang, ổ của chuột để đào, đổ nước (nếu gần nguồn nước, đất thịt) hun khói hoặc soi đèn, dùng chó để săn bắt chuột. Lưu ý: Không làm hư hỏng công trình thủy lợi, đê, kè cống.

Empty

Nông dân dùng lon làm chuông rung doạ chuột. Ảnh: Minh Đảm.

Dùng rào cản bao quanh ruộng hoặc bẫy hàng rào cản. Sử dụng bẫy cây trồng kết hợp với rào cản và lồng hom. Trên mỗi diện tích khoảng 10 - 15ha, bố trí gieo, cấy khoảng 1.000 mẻ bằng giống lúa thơm và sớm hơn lúa đại trà 15 - 20 ngày. Xung quanh ruộng bẫy được rào kín bằng nilon, mỗi bờ khoét 1 - 2 lỗ dưới chân hàng rào để đặt bẫy hom, miệng hướng ra phía ngoài.

Thường xuyên thu nhặt chuột, rắn... trong lồng và tu sửa khi cần thiết. Chất chà diệt chuột tại một số vùng có điều kiện, chà làm bằng cành lá cây.... làm nơi ẩn nấp cho chuột vào cuối mùa nước ngập. Trong đó, có bổ sung thức ăn cho chuột sau 10 - 15 ngày, bao lưới chà, dỡ chà để bắt chuột, đến khi chuột giảm. Tuyệt đối không sử dụng điện để diệt chuột.

Biện pháp sinh học: Khuyến khích nông dân nuôi mèo, chó để diệt chuột. Nghiêm cấm săn bắt các loài thiên địch của chuột như trăn, rắn, chim cú...

chất chà

Chất chà làm bẫy bắt chuột. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Biện pháp sử dụng các loại bã sinh học, thuốc diệt chuột: Sử dụng bã, thuốc trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc ít độc với người, vật nuôi và môi trường, chỉ dùng thuốc hóa học khi chuột phá hại mạnh và tuân thủ nghiêm ngặt an toàn. Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng và sử dụng theo nguyên tắc "4 đúng". Một số thuốc diệt chuột thông thường bằng bã diệt chuột sinh học (Biorat); nhóm thuốc chống đông máu với các hoạt chất Wafarin (Ratk 20, DP), Coumatetralyl (Racumin, Ratmiu,...), Flocoumafen (Krats, Storm...).

Tại Cần Thơ, chỉ tính riêng trên cây lúa, diện tích bị chuột gây thiệt hại hàng năm chiếm từ 2 - 3%. Để giúp bà con nông dân bảo vệ mùa màng, UBND Thành phố đã có kế hoạch phòng, diệt chuột và đưa ra lộ trình đến năm 2025 nhằm giúp nông dân quản lý tốt ruộng vườn, hạn chế tối đa thiệt hại do chuột gây ra.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ, để diệt chuột thân thiện với môi trường và đem lại hiệu quả cao, trong năm 2022, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã triển khai mô hình bẫy chuột bằng cây trồng.

Mô hình được thực hiện trên diện tích 1.700m2 tại quận Thốt Nốt. Nông dân trong mô hình bẫy chuột bằng cây trồng, được cán bộ kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn thực hiện phương pháp diệt chuột có hiệu quả, đã giúp nông dân nơi đây vô cùng phấn khởi.

 

Nguồn: Internet